Nhà Thờ Giáo Xứ Búng Giáo Phận Phú Cường
Đến vùng Búng, ông để ý đến cái Búng nước đó, và muốn lập cư khai khẩn. Mãi đến khi ngoài 40 tuổi, cha mẹ đã khuất, ông mới thực hiện được ý định ban đầu, rời quê hương cũ đến đây, đưa theo vợ và hai con, tên là Nguyễn Thị Hưng và Nguyễn Văn Định.
Lúc đầu, tá túc ở nhà người thân tại Lái Thiêu. Dần dần đưa nhau về Gò Cầy (nay là vùng đất từ Bình Hoà, Lái Thiêu, đến ngã tư Hoà Lân), chặt cây, cắt tranh làm nhà ở khoảng đất cao, gần nghĩa trang họ đạo Búng ngày nay.
Khi đã ổn định, tạo nên sự nghiệp, ông Bình cho các con về miền Trung, vận động bà con thân thuộc vào xứ Búng lập nghiệp. Cùng với những cư dân lân cận xứ Búng, từ đó xã Hưng Thịnh được hình thành.
Trong thời gian đó, có một gia đình nguyên quán ở Đàng Ngoài, vốn dòng quyền quý, đã từng phò vua giúp nước, di cư vào Nam, định cư ở xứ Búng. Đó là gia đình ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Thường. Không rõ vì lý do nào (có thể vì lý do tôn giáo), vào cuối đời vua Gia Long ( 1802-1820 ), hai ông bà rời quê quán, cùng các con vào Nam, định cư ở vùng Cầu Ngang. Chính tại nơi đây, Phêrô Đoàn Công Quí đã được sinh ra, vào năm 1826.
Nhà thờ đầu tiên được xây cất vào đầu thế kỷ thứ 19, bằng cột chôn, lợp bằng tranh, nằm trên phần đất của ông Nhờ, gần nhà ông Bình (nay là đất thánh Búng). Nhà thờ này chỉ tồn tại hết một mùa tranh.
Nhà thờ thứ hai có phần tiện nghi hơn, mái lợp ngói, nằm trên phần đất nhà ông Ràng ( bây giờ là Dốc Sỏi). Nhà thờ này bị bỏ hoang khá lâu trong thời kỳ cấm đạo.
Tại vùng Búng, có một cây sao rất to. Giáo dân đã hạ cây sao ấy, đóng thành một chiếc ghe, có chiều dài đến tám tầm, người ta đặt tên họ đạo là Ghe Tám. Theo một tài liệu khác, ngôi nhà thờ đầu tiên được cất ở gần con suối lớn (nay là đất thánh Búng). Thời đó, suối này có nhiều nước, ghe thuyền thông thương đến tận nơi; có những chiếc ghe bầu lớn, có tám mái chèo, còn gọi là ghe tám. Vì thế, nhà thờ đầu tiên có tên là nhà thờ Ghe Tám.
Lúc bấy giờ, số giáo dân vào khoảng 300 người. Đa số là những người có đạo ở miền Trung vào, cùng với những người công giáo ở chung quanh đến khai khẩn, sinh sống. Họ có đức tin khá vững vàng. Mỗi gia đình dạy giáo lý cho con cái tại nhà. Thỉnh thoảng có các linh mục từ Lái Thiêu đến thăm, ban các bí tích, rồi đi.
Gần bên cạnh, có họ đạo Gò Cầy, đã có nhà thờ, với số giáo dân vào khoảng 400 người, vào năm 1747. Cùng nhau làm ăn, sinh sống, họ lập cư thành làng. Và là người công giáo, họ thường qui tụ đọc kinh tại nhà.
các linh mục đến một cách thầm lặng; trong số đó có các linh mục bản xứ là cha Duông và cha Thông, thỉnh thoảng từ Lái Thiêu đến để cử hành các bí tích.
Thường thì các linh mục bản xứ đến Búng trú ngụ tại nhà ông Vưa, ông Nhờ, ông Tín (cháu nội ông Bình), hay nhà bà Hảo. Riêng cha Tám, năm 1847, dạy tiếng La tinh cho Phêrô Quí và gởi ngài vào chủng viện. Các cha Tại, Giáo, Y, Chữ đã nhiều lần đến thăm giáo dân; các ngài cũng giúp đỡ tiền bạc, quần áo cho những người lương nghèo túng.
Năm 1844, Toà Thánh thiết lập Giáo Phận Đàng Trong (Sài gòn), và đặt giám mục Lefèbvre cai quản giáo phận (1844-1864). Lúc đó, Toà giám mục vẫn còn ở Lái Thiêu. Vì vậy, Đức Cha đến họ đạo Ghe Tám và ở trong nhà một giáo dân. Tuy nhiên, những người không có đạo công giáo đã biết được và theo dõi; vì thế, giữa đêm khuya, ngài đã ra đi đến Đá Tráng (Bố Mua).
Năm 1858, cha Phêrô Đoàn Công Quí lãnh nhận chức linh mục tại Thủ Dầu Một. Cha về quê dâng thánh lễ một cách âm thầm, tại Gò Cầy. Ngài định nán ở lại nhà ông Tín một thời gian, nhưng được tin báo là có kẻ tố cáo với cai tổng, nên cha lên đường lánh đi nơi khác.
. Sau khi cơn bách hại tạm lắng, giáo dân lần lượt trở về Búng. Lần này, các tín hữu chọn một chỗ cao ráo, gần cầu cây Trâm, để dựng một nhà thờ thứ ba. Lúc đầu, chưa có linh mục coi sóc, các tín hữu phải đi đến Thủ Dầu Một để tham dự thánh lễ và các bí tích. Trong thời gian này, có các cha Francois Rémi Lizé, Gioan Khiêm thỉnh thoảng đến Búng để giúp đỡ giáo dân.
Có tất cả 14 cha sở coi sóc giáo xứ:
1) Cha Antôn Nguyễn Văn Võ (1875-1866): trong thời gian này, cha đã xây nhà thờ thứ tư và thứ năm, vì số giáo dân tăng đông.
2) Cha Giuse Martinô Nguyễn Tri Thơ (1866-1893): xây nhà thờ thứ sáu
3) Cha Phaolô Marcel Simon (1893-1895).
4) Cha Felix Frison (Hoàng) (1895-1899).
5) Cha Nicolas Emile Colson (1900-1901).
6) Cha Louis-Marie Joseph Martin (Nghi) (1901-1916).
7) Cha Antôn Nguyễn Văn Miều (1916-1925).
8) Cha Robert Keller (1925-1963).
9) Cha Gioakim Nguyễn Văn Nghi (1963-1966).
10) Cha Giacôbê Huỳnh Văn Của (1966-1967).
11) Cha Giuse Trần Văn Tiên (1967-1969).
12) Cha Phêrô Lê Vinh Phát (1969-1971).
13) Cha Tôma Phan Minh Chánh (1972-1980).
14) Cha Micae Nguyễn Văn Minh (1980 đến nay 2009)
Theo Niên Giám Công Giáo năm 2004, họ Búng có 4 242 giáo dân.
Hiện tại, họ đạo được chia thành 6 khu xóm; mỗi khu xóm có khu xóm trưởng và phó, họp thành Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ.
Trong họ đạo, có rất nhiều hội đoàn đang sinh hoạt, như: Camelô (Dòng Ba Nhà Kín), Mến Thánh Giá Tại Thế, Thiếu Nhi Thánh Thể. Ngoài ra, còn có 5 ca đoàn giúp cầu nguyện trong các giờ phụng vụ.
Hằng năm, các lớp giáo lý được mở thường xuyên, để các thành phần dân Chúa được học hỏi lẽ đạo. Đồng thời, những công trình xây dựng cũng được làm mới, hay hoàn thiện một cách tốt đẹp.
Cộng đồng họ đạo cũng là nơi ươm mầm hạt giống Ơn Gọi rất thuận lợi. Đã có rất nhiều người con của họ đạo hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ anh em trong đời sống linh mục và tu sĩ, làm tăng thêm thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo...
Với các linh mục có nhiều bản lãnh, đạo đức, nhiệt tình và khôn ngoan, họ đạo Búng đang vững bước tiến lên phía trước, đem lại nhiều hy vọng cho tất cả mọi người.